Người Hà Nội tự hào là đã đưa việc nấu nướng, chế biến và ăn uống đời thường trở thành nghệ thuật, tạo nên nét đẹp về văn hóa ẩm thực. Chính vì vậy văn hoá ăn uống ở mảnh đất thủ đô cũng mang một thứ tinh thần thanh lịch, tinh tế.
Văn hoá ăn uống là gì?

Ai cũng biết ăn uống là nhu cầu để nuôi sống con người, nhưng ăn uống như thế nào cho thanh lịch, văn minh lại là chuyện phải bàn. Bởi con người khác con vật ở chỗ đâu chỉ là đưa đồ ăn, thức uống qua miệng cốt cho no lòng, khỏi khát, mà qua cái việc thông thường ấy còn thể hiện chất nhân sinh, nhân bản và phong cách ứng xử của con người trong xã hội.
Ăn gì? Ăn lúc nào? Ăn như thế nào? Ăn với ai? Đó là những câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta khi đề cập đến văn hóa ăn uống. Vậy văn hoá ăn uống là gì? Văn hoá ăn uống là cách chế biến, xếp đặt, trang trí món ăn, bàn ăn, phòng ăn, phong cách ăn uống của từng người trong các hoàn cảnh, thời gian khác nhau cũng như đối với các món ăn tạo nét đặc biệt gọi là bản sắc.
Mỗi vùng miền đều có những nét riêng biệt trong văn hoá ăn uống, thậm chí mỗi gia đình, dòng họ cũng có những khái niệm riêng biệt về cách ăn thế nào cho đúng. Văn hoá ăn uống cũng phản ánh một cách rõ nét văn hoá nói chung của vùng miền đó, thậm chí còn mang tính đại diện cho văn hoá quốc gia. Trong số đầu tiên của chuỗi bài về văn hoá ăn uống, hãy đến với mảnh đất thủ đô, nơi mà sự trang trọng, nho nhã và thanh cao thấm nhuần vào con người nơi đây, và văn hoá ăn uống không phải ngoại lệ.
Văn hoá ăn uống người Hà Nội
Các cụ người Thăng Long – Hà Nội xưa rất coi trọng vấn đề ăn uống, không chỉ ở cách chế biến cho ngon; giữ sạch sẽ, vệ sinh, không dùng đồ ôi thiu; mà còn ở tư thế ngồi ăn, cách ăn, cách uống sao cho tao nhã, khỏi mang tiếng là kẻ phàm phu tục tử.
Mâm cơm Hà Nội
Người Hà Nội ăn kiểu “quý ở độ tinh”, coi trọng chất hơn lượng. Bởi thế, mỗi món ăn đều chỉ được bày trong đĩa, bát đều nhơ nhỡ, nho nhỏ, rất hiếm cỡ đại. Thậm chí, một mâm cỗ cổ truyền tới 17-18 món vẫn bày gọn trong một cái mâm đồng.

Nét thanh lịch trong ẩm thực của người Hà Nội thể hiện rõ nét ở sự thanh đạm. Thời Hà Nội còn nghèo khó, mâm cơm phổ biến trong mọi nhà chỉ vài ba món. Khi là mấy con tôm rang, dăm miếng thịt kho, đĩa rau luộc… nhưng luôn đem lại cảm giác ấm cúng, thanh sạch. Khi ăn, người Hà Nội ăn thanh cảnh, cơm chỉ xới bát vơi dưới miệng. Vừa ăn, vừa nói những câu chuyện nhẹ nhàng hằng ngày chứ không ăn một mạch.
Cách ăn uống của người Hà Nội
Hãy nhìn một mâm cỗ thù tạc của các cụ ngày trước. Cỗ 4 người, áo lương khăn xếp chỉnh tề, ngồi xếp chân bằng tròn quanh chiếc mâm đồng sáng loáng. Một be rượu sứ, bốn chiếc chén con. Chủ nhà nâng chén ngang mặt – một cách mời – ba chén khác nâng theo rồi cùng chạm môi nhấp một ngụm nhỏ, lại khề khà đặt chén xuống. Một cụ gắp miếng nhai thong thả, nhón tay nhặt một nhánh rau thơm ăn đệm. Các cụ nói chuyện thế sự, chuyện văn chương, chuyện phố chuyện làng; thân hơn, còn tâm sự cả chuyện cửa nhà. Cứ rỉ rả ôn tồn, chẳng ồn ào to tiếng, không gian cũng tâm đắc với người. Con cháu chốc lát lại lượn qua xem các cụ cần thêm gì hoặc đưa tiếp món ăn.
Đấy là văn hoá ăn uống thời Hà Nội xưa, ngày nay khi mà nhịp sống dần trở nên hối hả, văn hoá cũng dần du nhập nhiều hơn, con người cùng dần phải thay đổi thói quen cũ để thích nghi với xã hội đang ngày ngày thay da đổi thịt. Việc ăn uống cũng không phải ngoại lệ, tuy nhiên, những giá trị cốt lõi về văn hoá ăn uống của người Hà Nội vẫn còn đó, tuy không còn sự trang nghiêm, ngay ngắn và trịnh trọng như thời xưa, nhưng vẫn luôn giữ được cái thanh trong thói quen dùng bữa.

Một số luật lệ “bất thành văn” của người Hà Nội có thể kể đến như: Trước khi ăn, người ít tuổi phải mời người trên, trẻ con phải mời ông, bà, cha, mẹ và các anh, các chị rồi mới cầm đũa, phải gắp rau trước, rồi mới gắp thịt, cá. Điều đó phần nào thể hiện sự thanh đạm, kiềm chế thói ăn uống hàm hồ. Mâm cơm có bát canh thì phải lấy thìa múc chứ không được lấy đũa gắp. Người bề dưới ăn xong trước phải xin phép rời mâm. Khi ăn, người Hà Nội ăn thanh cảnh, cơm chỉ xới bát vơi dưới miệng. Vừa ăn, vừa nói những câu chuyện nhẹ nhàng hằng ngày chứ không ăn một mạch.
“Văn hóa ẩm thực” của người Hà Nội không chỉ là những món ăn ngon, được bày biện đẹp mắt, mà còn là từng “công đoạn” từ lúc ngồi vào bàn ăn đến khi kết thúc bữa ăn, là cách ứng xử tinh tế của mỗi thực khách trên bàn ăn.
Văn hoá mời khách
Ấy là những cách ăn uống với người nhà, còn đối với khách, chủ nhà Hà Nội lại càng thể hiện rõ sự tinh tế, thanh đạm thông qua những cử chỉ, hành động trong bữa ăn.
Khi nhà có khách, chủ nhà thường thay quần áo cho ngay ngắn, mời khách những món ngon nhất. Trong trường hợp thiếu thốn, chuyện “nhịn miệng đãi khách” cũng là lẽ thường tình. Trong mâm cơm, dù có bao nhiêu món, người chủ bao giờ cũng chỉ cầm đũa chấm để nhường cho khách. Khách ra về, ông chủ mới vào ăn “thật”. Biểu hiện rõ nét của chất thanh lịch trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội là văn hóa ứng xử trên bàn ăn.

Văn hoá ăn uống ngày nay
Các bạn trẻ bây giờ bảo: Thời buổi kinh tế thị trường, thời gian lúc nào cũng gấp gáp, ai mà theo các cụ được. Cái phong cách ăn uống chậm chạp, phong nhã đấy dần bị mai một, thay bằng những bữa ăn vội vàng, tạm bợ chỉ để cho no cái bụng, rồi lại tiếp tục lao vào vòng xoáy công việc.
Nhà văn Tản Đà, một con người đã từng giang hồ lưu lạc, nhưng rất đỗi hào hoa, phong nhã, đã đưa ra một định lý bằng sự kiểm nghiệm của cuộc sống rằng: món ăn ngon, người cùng ăn không ngon, không ngon; món ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon; Món ăn ngon, ăn không đúng lúc không ngon; món ăn ngon, bát đũa không ngon; không ngon…
Mỗi thời đại đều có lối sống, nếp sống của nó. Ta không cổ hủ bo bo giữ lấy cái không còn phù hợp, nhưng cũng đừng quên cái gốc gác bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ăn uống ra sao cho thanh đạm, thanh tao, lịch sự là hơn. Mâm cao, cỗ đầy, rượu lắm mà ăn uống thô tục, bất nhã thì còn đâu là phong cách Hà Nội, còn đâu là văn hoá ăn uống Hà Nội. Để biết thêm về nét văn hoá ăn uống của người Hà Nội, mời bạn cùng khám phá cùng Photos & Travel vào các bài viết sau!
Tạp chí Photos & Travel là tạp chí uy tín về Hình ảnh và Du lịch tại Việt Nam. Với 2 phiên bản tạp chí giấy và tạp chí online, Photos & Travel mang lại những thông tin hữu ích nhất cho độc giả trong và ngoài nước.
ADD: Số 86, Lê Trọng Tấn, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
VP miền Trung: 56 Nguyễn Phước Thái, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Tin tức : info.photostravel@gmail.com
Liên hệ QC: 0932355556 – 0985076155