Nói đến đặc sản rươi, nhiều người thích thú, nhiều người lắc đầu. Ít ai biết rằng, món ăn này thời xưa đã từng được được cả bậc đế vương yêu thích, khen ngợi…
Người Việt Nam ta có một món ăn dân dã rất được ưa thích, nhất là ở các tỉnh thành miền Bắc, đó là rươi. Rươi là động vật thuộc họ giun đốt, thân nhiều lông, từ lâu đã được biết đến như một nguyên liệu món ăn bổ dưỡng. Rươi, món ăn thoạt trông hơi “ghê ghê” (nên mới có nhiều người sợ không dám ăn), nhưng đã thích là thích đến mức… không còn đường quay về. Từ rươi, dân tộc ta chế biến ra bao nhiêu món ăn thơm ngon và bổ dưỡng, tiêu biểu là mắm rươi thường được ăn cùng thịt luộc, chả rươi, mắm rươi, rươi rang muối, cuốn lá lốt…

Tuy nhiên, đây chẳng phải món ăn người ta mới yêu thích gần đây, mà đã có tuổi đời từ xa xưa, phổ biến nhất vào triều đại rực rỡ bậc nhất sử Việt ta: Thời Trần. Tương truyền, các món rươi ăn cùng vỏ quýt rất được yêu thích vào thời này, đến cả bậc đế vương cũng không ngoại lệ. Nói có sách, mách có chứng, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại một đoạn thể hiện được xu thế ăn rươi cùng quýt vào thời đại này, trong đó, Trần Nhân Tông đã “gợi ý” hai thần tử của mình tặng con rươi và quả quýt cho nhau để giải quyết bất hoà.
Nguyên văn người nói với Tòng Giáo (lúc bấy giờ là tả phụ): “Củng Viên là sĩ nhân, ngươi là trung quan sao lại bất hòa đến thế? Ngươi là lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì?” – trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Kết quả, hai người vốn bất hoà là Tòng Giáo và Củng Viên từ đó thân thiết hẳn lên. Tất cả những bất hoà xích mích kéo dài bấy lâu, chỉ vì rươi và quýt mà… xí xoá hết. Thế mới thấy được tài trị quốc và nhìn xa trông rộng của Trần Nhân Tông.


Ngẫm mới thấy Trần Nhân Tông thật sự rất tinh tế, bởi nếu người chỉ bảo Tòng Giáo tặng rươi không chẳng tặng quýt thì có lẽ mối quan hệ của ông với Củng Viên sẽ… tệ hơn chẳng biết chừng.
Mặt khác, thời nhà Trần cũng có một hành cung gọi là Thiên Trường, được xây dựng vào thời của Trần Thái Tông. Trong Cương mục thời Nguyễn có nói: “Thổ sản ở Thiên Trường có rươi và quýt”. Trong bài thơ Thiên Trường ký sự của Phạm Sư Mạnh (danh sĩ và quan thời nhà Trần) có câu: “Lưỡng ngạn tân sương kim quất quốc, mãn thành tế vũ thổ hà thiên”. Dịch ra nghĩa là “Tiết trời mới có sương, trông hai bên bãi tưởng là một nước toàn quýt vàng; gặp lúc mưa nhỏ, thì khắp nơi trong thành chỉ thấy trên là trời, dưới có rươi.
Trong Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn cũng nói rằng tỉnh Nam Định có đặc sản mắm rươi, thường phải tiến cống hằng năm theo lệ.

Có thể thấy, rươi dù chỉ là đặc sản rất dân dã, nhưng với dân tộc Việt vốn “dĩ thực vi tiên” (lấy ăn làm đầu) hay “dĩ thực vi thiên” (xem ăn như trời) thì chỉ cần là thức ăn ngon thì không bàn đến xuất xứ. Thậm chí, một món ăn ngon cũng không chỉ có giá trị thưởng thức một mình, mà còn có thể đem đi chia sẻ, làm nên sự kết nối quân thần nói riêng và giữa người với người nói chung. Đối với nhà Trần vốn có tiền lệ thân thiết đến mức vua tôi thường xuyên tổ chức ngủ cùng nhau thì rươi và quýt có lẽ đóng vai trò rất đặc biệt trong việc thắt chặt tình cảm như câu chuyện nhỏ kể trên.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Nam nhất thống chí, Lạc Ngắm, Nhân Gian, …
Nguồn: Kênh14