Đô thị cổ Lệ Giang thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được du khách ví như thành phố Venice của phương Đông bởi sự cổ kính, nên thơ. Nằm cách biên giới Việt Nam khoảng 1000 km, Lệ Giang là điểm du lịch hấp dẫn thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.
Đô thị cổ nghìn năm tuổi
Lệ Giang được biết đến với cái tên chính thức là Đại Nghiên cổ trấn, đây là một thành phố cổ được xây dựng cách đây gần 1 thế kỷ và còn khá nguyên vẹn cho tới ngày nay. Nằm ở tỉnh Vân Nam (tên gọi khác là Xuân Thành – thành phố 4 mùa xuân) được thiên nhiên ưu ái nên có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh sắc rực rỡ. Lệ Giang nằm trên độ cao 2.400m, trên cao nguyên Vân Quý, cách Côn Minh (thủ phủ của Vân Nam) khoảng 500km và có diện tích gần 4 km2.

Lệ Giang hiện nay có khoảng 30.000 dân với khoảng 6300 hộ chủ yếu là người Nạp Tây và người Bạch. Người dân thường làm nghề thủ công như đúc đồng, chạm bạc, may mặc và làm nông nghiệp, ngoài ra từ khi Lệ Giang được công nhận là di sản UNESSCO năm 1998 cư dân có thêm nghề làm dịch vụ du lịch, đời sống dân cư phát triển hơn khi khách du lịch tìm đến ngày càng đông.

Lệ Giang có nhiều dòng thác, suối từ trên núi chảy xuống, vì vậy cư dân nơi đây đã xây dựng hệ thống kênh đào, đường thủy, cầu cống để nước có thể chảy quanh cổ trấn. Nước từ trên núi xuống nên rất trong và mát, thậm chí lạnh về đêm, nước chảy liên tục với áp lực tương đối lớn, người dân có thể mang cả quần áo ra giặt mà không cần xà phòng. Chính vì hệ thống kênh đào độc đáo (354 chiếc cầu bắc qua sông) nên du khách thường ví Lệ Giang là Venice phương Đông để sánh ngang với thành phố Venice tại phương Tây thuộc Italia.

Bao quanh Lệ Giang không có tường thành vì ở nơi đây ít có chiến tranh xảy ra, ở trung tâm là phố Bốn Phương, độc đáo nhất là những cây cầu như Đại Thạch, Nam Môn, Mã Yên, Nhân Thọ, được xây vào đời Minh và Thanh.

Nhà cửa ở Lệ Giang mang đặc trưng kiến trúc Trung Quốc, hầu hết đều là nhà 2 tầng lợp ngói lưu ly, trên là ban công bằng gỗ, trước cổng nhà đều có treo lồng đỏ và trồng cây dương liễu. Những chỗ đồi núi, cư dân cũng đã khéo léo để cất nóc nhà tựa vững chắc vào núi, có nhiều ngôi tường vách được lấy chính là các phiến đá, tạo cho ngôi nhà sự mát mẻ tự nhiên.
Ba ngày mới đi hết Lệ Giang
Nói như vậy không quá, bởi vì ở Lệ Giang là cả một quần thể di tích – thắng cảnh để khám phá chứ không chỉ là những nóc nhà cổ kính. Ngay giữa lòng Lệ Giang phải kể đến Phủ họ Mộc, nơi đây là chỗ ở của thủ lĩnh thế tập họ Mộc được xây dựng vào thời nhà Nguyên. Biệt phủ được xây dựng giống như kiến trúc của một Tử Cấm Thành thu nhỏ, phủ cao dần đến tận vọng lâu gác núi. Sau khi được đại tu vào năm 1998, phủ họ Mộc trở thành Viện bảo tàng của đô thị cổ.

Cổng phủ họ Mộc khá lớn, sau cổng là một sân nhỏ rồi đến tòa nghi môn có ba gian và được lợp mái bề thế, chính giữa có đề 2 chữ “Mộc Phủ”. Ở hai bên nghi môn có nghi trượng dành riêng cho các bậc cao quý trong vùng, qua cổng là sân lễ nghi rất rộng. Nhưng muốn nhìn được vào sân phải đi qua một tấm bình phong bằng gạch vì chủ nhân xây dựng không muốn người lạ có thể nhìn thẳng vào sân.

Hai bên là dãy hành lang vây lấy sân, ở cuối là hai lầu nhỏ vươn lên trời, hai lầu nhỏ này dùng làm nơi quan sát xung quanh, ở đây có thể nhìn sang được khi nhà ở, khu sân vườn…

Phía cuối sân trên ba bậc là tòa nghị sự sảnh, tòa nhà lớn nhất và quan trọng nhất trong Mộc phủ. Sảnh nghị sự được coi như chính điện trong hoàng cung, là nơi tiến hành các nghi lễ quan trọng, đồng thời là nơi bàn bạc nghị sự của các quan văn, quan võ. Chính sảnh có một chiếc ghế phủ da hổ, hai bên là đồ trang hoàng đặt trên một sập lớn, ở dưới là dãy ghế dành cho các quan và khách. Toàn bộ tòa sảnh được đặt trên bậc đá cao và đều được trang trí hình sóng nước, mây trời.

Liền phía sau tòa nghị sự là toàn lầu lớn Vạn Quyển lâu. Trước đây là lầu để sách, nơi cất giữ hàng ngàn đầu sách của văn hóa Đông Ba, kinh Địa Tạng, các tập thơ của Thổ ti và danh sĩ Vân Nam, tuy chỉ có 2 tầng nhưng lầu rất cao với 3 lớp 12 mái. Ngoài Mộc phủ với vẻ đẹp bề thế, du khách thích tìm hiểu lịch sử còn có thể ghé thăm nhà của danh sĩ Phương Quốc Tiền, một nhà khoa học nổi tiếng đất Vân Nam. Ngôi nhà của ông trưng bày rất nhiều sách quý, đồ đạc và hình ảnh ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo cách mạng.

Đi hết các điểm ở dưới, du khách sẽ thử cảm giác leo núi lên Vạn Cổ Lâu. Vạn Cổ Lâu nằm trên đỉnh công viên Đồi Sư Tử và cũng là nơi cao nhất của Lệ Giang. Thiết kế của Vạn Cổ Lâu cũng rất đặc sắc với 5 tầng cao 33 m được xây dựng trên 16 chiếc cột, xung quanh có 4 cặp sư tử ở 4 mặt lầu cùng các bức tường được chạm khắc với hàng nghìn con rồng. Mặc dù lên đến Vạn Cổ Lâu khá tốn sức nhưng rất đáng bởi bạn có thể thu toàn cảnh Lệ Giang cổ trấn và Ngọc Long Tuyết Sơn vào trong tầm mắt.


Cách thành cổ Lệ Giang chỉ khoảng 4km, Thúc Hà cổ trấn cũng là địa danh được các du khách quan tâm bởi vẻ đẹp. Gọi Thúc Hà cổ trấn là chốn tiên cảnh hoàn toàn không ngoa với vẻ đẹp mộng ảo của nơi đây. Ở Thúc Hà cổ trấn có những dòng sông, con kênh nhỏ xinh xuyên qua dọc các con phố tạo nên cảnh sắc đẹp tựa như tranh.

Thúc Hà cổ trấn nằm trọn mình dưới núi tuyết Ngọc Long nên khí hậu khá lạnh, tuy vậy vào buổi sáng nắng sớm lên rất đẹp, sương tan nhanh. Thời điểm đó bạn nên khám phá ngay Hành lang ước nguyện nằm trong Bảo tàng Tây Tạng hoặc ngồi thuyền vãn cảnh mộng mơ trên hô La Thị Hải.

Người dân tộc Nạp Tây ở Thúc Hà cổ trấn đến nay vẫn giữ gìn nghề thủ công truyền thống – chạm bạc. Lối sống bình yên, giản dị của những người dân Thúc Hà hiền lành chịu thương chịu khó, giữa thị trấn cổ đẹp như mơ như ngăn cách hoàn toàn với cuộc sống hiện đại ồn ào ngoài kia.

Một món ngon ở Thúc Hà mà ai lỡ đến đây rồi đều không thể bỏ qua đó chính là món cá Tam Văn, cá này sống trong nước của núi tuyết Ngọc Long nên có hương vị rất đặc trưng. Cá Tam Văn có thể nấu lẩu hoặc rán, thậm chí có thể ăn sống như gỏi cá cùng một số gia vị.






Văn Công