Tuy chưa chính thức được công nhận là làng cổ, nhưng làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội luôn được biết đến là một ngôi làng có nhiều điều hấp dẫn để khám phá.


Làng Cự Đà cách trung tâm thành phố Hà Nội về phía nam chưa đến 10km, chỉ cần xuôi theo sông Nhuệ hoặc đi theo quốc lộ 21B là tới làng, điều làm người ta dễ dàng nhận ra ngôi làng này chính là rất nhiều ngôi nhà cổ, mái ngói đỏ cộng thêm những xe tương, xe miến ra vào làng liên tục.
Nằm ở địa thế ven sông Nhuệ, Cự Đà có giao thông phát triển, bởi lẽ “nhất cận thị, nhị cận giang” hầu hết các làng cổ đều gần chợ hoặc sông, giao thông thủy là giao thông vận tải được khối lượng hàng hóa lớn nên Cự Đà không những có từ lâu đời mà còn là một làng giàu có nhất miền Bắc những thế kỷ 18 19.

Nhất là vào thế kỷ 19, khi người Pháp đến Việt Nam, buôn bán phát triển, nghề làm tương, làm miến được người Pháp ưa thích và tiêu thụ mạnh từ đó Cự Đà giàu lên nhanh chóng đến nỗi người Pháp còn kéo điện lưới về làng và mua nhiều đất làm nhà ở đây. Hiện ở làng, không chỉ nhiều ngôi nhà cổ thuần Việt mà còn nhiều ngôi nhà biệt thự của Pháp, tuy đã xuống cấp nhiều nhưng cũng đủ minh chứng cho một giai đoạn lịch sử trù phú.

Đặc trưng của kiến trúc Cự Đà đó là nhiều ngôi nhà được làm bằng gỗ, lợp ngói đỏ, có sân rộng và trong nhà có nhiều câu đối bằng chữ Nho. Tiêu biểu như gia đình ông Đinh Văn Lai ở xóm 3, ông cho biết ngôi nhà của ông hiện đã 101 tuổi, được làm bằng gỗ vàng tâm, ngói mới thay một lần còn như chưa sửa chữa gì nhiều, trong nhà vẫn còn bộ tràng kỷ, đồng hồ treo tường, chậu đồng từ gần 100 năm trước do cha ông để lại.

Trong làng, có rất nhiều con ngõ nhỏ và tất cả con ngõ này đều được đặt tên như Đồng Nhân Cát, Khúc Thủy, ngõ Chùa…đây đều là những tên cổ của làng. Ngay tại cổng làng còn có đôi cóc đá, biểu tượng cho sự mong muốn mưa thuận gió hòa của người dân, cũng như sự tôn kính con cóc vốn được coi là cậu ông trời trong truyện dân gian Việt Nam.

Hiện tại, Cự Đà còn gần 50 ngôi nhà cổ, có kiến trúc độc đáo, nhiều ngôi nhà được giữ nguyên trạng từ lúc xây dựng và chủ nhà luôn niềm nở với khách tham quan đến thăm nhà. Ngoài ra, hầu hết các hộ dân trong làng đều có nghề làm tương và làm miến, đây là hai nghề cho thu nhập chính cũng như tạo nên tên tuổi của làng Cự Đà. Nếu đến đây, chắc chắn bạn phải tìm cho mình một mẻ tương ngon, mấy cân miến vừa mềm vừa dai để mang về làm quà cho người thân. Khám phá các công đoạn chế biến tương, miến cũng hết sức thú vị, điều đó khác xa với việc bạn chỉ nhìn thấy máy móc công nghiệp làm, bởi bàn tay con người làm luôn gửi gắm vào đó cả một tâm tình, một sức nặng của văn hóa nông nghiệp.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công