“Kỳ quan đầu tiên của thế giới” là tên gọi của rừng đá Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, một khu rừng với các ngọn núi đá thẳng đứng, nhọn hoắt chọc lên trời như chông.
Thạch Lâm cách biên giới Việt Nam về phía Đông Bắc khoảng 500km, nằm trong khu tự trị dân tộc Yi, Vân Nam. Đây là một khu thắng cảnh thiên nhiên rộng lớn có tổng diện tích hơn 400km vuông, vào thời nhà Minh ở Trung Quốc, triều đình phong kiến đã coi đây là “kỳ quan đầu tiên của thế giới” – thể hiện sự cổ đại cũng như kỳ vĩ của rừng đá Thạch Lâm.

Cả khu vực rộng lớn với hàng vạn trụ đá có đủ các màu, nhiều hình dạng khác nhau, cột thấp nhất cũng trên 10m, cao nhất cũng gần 300m so với mặt đất. Thạch Lâm là ví dụ điển hình của dạng địa hình Các-tơ, ước tính khu rừng đá Thạch Lâm được hình thành khoảng 270 triệu năm ở trong Kỷ Than đá của thời Đại cổ sinh. Trong thời kỳ hình thành, sự chuyển động liên tục của thạch quyển làm nước biển dâng, bào mòn rồi lại rút đi, nhiều ngọn đá có chân rất nhỏ và có dấu hiệu ăn mòn nước biển từ hàng triệu năm trước. Các chuyên gia địa chất tin rằng, trước khi hình thành các khối đá lớn chọc trời, khu vực này chủ yếu là trầm tích và đất bazan, đất đỏ.

Thạch Lâm gồm 2 khu vực chính là Đại Thạch Lâm và Tiểu Thạch Lâm, cả 2 khu về cơ bản có các khối đá giống nhau, ở Đại Thạch Lâm thì xuất hiện thêm các khối đá xanh lục, đá đen, đá vôi…Một tên gọi khác mà du khách đặt cho Thạch Lâm là “Bảo tàng rừng đá vôi”.

Thạch Lâm có nhiều hẻm và hang nhỏ, ngoài ra còn một số thác nước, trong nhiều hang có các hồ nước nhỏ được trang trí ánh sáng trông rất rực rỡ. Thạch Lâm tuyệt đẹp nhất là nhìn từ trên cao, bởi như vậy sẽ quan sát được toàn bộ khu rừng đá như một bãi chông nhọn hoắt, địa điểm đẹp nhất chính là lầu Nghinh Phong – tức là đón gió, một địa điểm cao để nghỉ chân cho du khách ở trung tâm Đại Thạch Lâm.
Thạch Lâm gắn liền với một câu chuyện buồn của người dân tộc Yi. Chàng trai nghèo Ahicua đem lòng yêu nàng Ashima nhưng không được gia đình chấp thuận, nàng Ashima bị con trai của lãnh chúa chiếm đoạt, chàng trai nghèo đã đấu tranh để cứu được nàng, hai người cùng nhau chạy trốn vào Thạch Lâm. Tại đây, 2 người bị lũ cuốn trôi xuống dòng thác và hóa thành hai tảng đá. Câu chuyện đã trở thành một điển tích văn học của dân tộc Yi, vì vậy hàng năm, đến ngày 24/6 âm lịch, người dân tộc Yi vẫn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, các hoạt động lễ hội gồm đấu vật, múa hát, diễn lại tích xưa….
Ngoài ra, khu rừng đá Thạch Lâm là bối cảnh chính của bộ phim truyền hình Tây Du Ký sản xuất năm 1986, tiêu biểu nhất là hình ảnh Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi đá 500 là một khu trung tâm ở Thạch Lâm. Khu rừng đá Thạch Lâm này đã được UNESCO công nhận là Vườn Địa chất Thế giới vào năm 2004 và càng ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới.

Để đến với Thạch Lâm, du khách có thể bắt tàu hỏa từ ga Hà Khẩu tới ga Côn Minh, đi mất khoảng 5 giờ đồng hồ, giá tàu khoảng 60 tệ (khoảng 200 nghìn đồng), sau đó bắt xe ô tô về phía nam, đi khoảng 1 giờ là đến với Thạch Lâm, giá vé vào tham quan Thạch Lâm khoảng 100 đến 120 tệ (khoảng 350 nghìn đồng Việt Nam).

Văn Công