Nằm ven sông Hồng, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía nam, chùa Giáng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên là nơi giảng dạy tu học Phật pháp của Đạo tràng Viên Minh.
Chùa Giáng nằm ngay sát ven đê sông Hồng gần nơi giáp ranh với huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Hằng ngày, gió lộng thổi vào thường xuyên mang hương phù sa nên rất trong lành, thoáng đãng và tạo ra một không gian yên bình, thanh tịnh. Chùa còn có tên gọi khác đó là Viên Minh tự vì năm 1900 Pháp sư Thích Nguyên Uẩn đã đến đây tập hợp tăng ni trong Sơn Môn Pháp Phái để thành lập đạo tràng và giảng dạy tu học Phật pháp lấy tên là Viên Minh Pháp Hội.

Năm Nhâm Dần 1902, Pháp sư Thích Nguyên Uẩn mở Đạo tràng Viên Minh Pháp Hội, quy tụ được hơn 100 tăng ni giảng dạy và tu học trong 12 năm (1903 – 1915).

Sau quãng thời gian 12 năm hoạt động, Đạo tràng mãn hội, các thành viên đi khắp nơi ứng cơ và lan tỏa sự từ bi của Đức Phật trên mọi miền Tổ quốc. Đến đời thứ 2, đệ nhị tổ Thích Quảng Tốn đã duy trì được mạng mạch, gìn giữ được nền nếp Thiền gia. Năm 1936 ghi nhận một mốc đáng nhớ đó là thiền sư Thích Phổ Tuệ (sau này là Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) chính thức trở thành Pháp tử của Tổ đình Viên Minh. Ngài là người thừa kế của sơn môn Đa Bảo một trong 3 sơn môn lớn nhất Bắc Bộ bấy giờ (nhất Đọi chùa Đọi Sơn, Hà Nam, nhà Đa chùa Giáng, Phú Xuyên, thứ ba Khê Hồi, chùa Khê Hồi, huyện Thường Tín) và kế thừa duy nhất di sản của Viên Minh Pháp hội Đạo tràng do Pháp sư Nguyên Uẩn sáng lập. Cũng từ đó đến nay Pháp sư Thích Phổ Tuệ vẫn gắn liền với chùa Giáng, hằng ngày cụ vẫn ra vườn làm cỏ, trồng rau, tụng kinh, niệm Phật, sống cuộc sống tu hành giản dị, thanh khiết.

Kiến trúc và phong cảnh chùa cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua đối với khách hành hương, du lịch tâm linh. Cổng chùa là một cổng ngũ quan khá lớn hướng về phía Tây, trước mặt là cánh đồng lúa bao la bát ngát, yên bình. Đằng sau ngũ quan là một chiếc cầu bắc qua một hồ nhỏ, giữa hai hồ đều có tượng Bồ tát nét mặt hiền hậu hướng về phía nhà Tam bảo. Giữa sân chùa là bảo tháp cao 9 tầng mà đứng từ xa vẫn có thể nhìn thấy, hai bên trước hồ nhà chùa trồng cây mộc thơm ngào ngạt, đưa du khách cảm nhận sâu sắc không gian thanh tịnh nơi cửa Phật. Chùa có gác chuông lớn, mỗi khi chuông được đánh lên là âm vang cả một vùng, thậm chí có người còn bảo tiếng chuông chùa vang vọng ra cả 3 tỉnh đó là Hà Tây cũ, Hưng Yên (bờ kia sông Hồng) và Hà Nam, tỉnh giáp ranh gần chùa.

Tòa đạo tràng Viên Minh nằm ở phía sau nhà Tam bảo, đó là một tòa nhiều vách có các tượng hộ pháp sừng sững xung quanh, trên từng cạnh của tòa đều khắc kinh và lời dạy của Phật. Tòa có 3 tầng và 12 mái, màu vàng và màu xanh làm làm chủ đạo. Xung quanh đều trồng rất nhiều loại cây, loại rau tạo nên một màu xanh phủ kín khung cảnh hòa với mùi thơm của hoa mộc. Đạo tràng càng ngày càng thu hút nhiều tăng ni Phật tử về tu hành cũng như khách tham quan đến chiêm bái, vãng cảnh.

Du khách có thể đi ven đê sông Hồng về phía nam Hà Nội khoảng 30 km là đến, hoặc đi theo quốc lộ 1A đến đến Cầu Đoài (Phú Xuyên) rồi rẽ vào tỉnh lộ 428 khoảng 10km. Một sự lựa chọn khác là đi tuyến xe buýt 108 Bến xe Thường Tín – Minh Tân, điểm cuối dừng ở xã Minh Tân chỉ cách chùa chừng 1km.

NGUYỄN VĂN CÔNG