Bún qua cầu là món ngon nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Món này không chỉ ngon, hấp dẫn thực khách mà còn rất “tốn” bát đĩa khi cần tới 8 đĩa nhỏ, 1 đĩa dài, 1 đĩa lớn, 1 đĩa bún và 1 bát lớn, tổng cộng tới 12 đĩa cho một tô bún hoàn chỉnh.
Vân Nam là một tỉnh giáp biên giới Việt Nam có phong cảnh rất nên thơ hữu tình. Ngoài các địa danh du lịch phong cảnh thiên nhiên, Vân Nam còn là tỉnh đa dạng về ẩm thực trong đó nổi tiếng nhất là món bún qua cầu.
Bún qua cầu là đặc sản mà bất cứ du khách nào đến đây cũng không thể bỏ qua, đặc biệt món này gắn liền với câu chuyện vợ chồng rất đẹp trong lịch sử Vân Nam.
“Ngày xưa, có một sĩ tử rất miệt mài dìu mài kinh sử với ước mơ đến kỳ thi sẽ lên kinh dự thi và trở thành quan chức. Sĩ tử này bèn tìm một hòn đảo nhỏ nằm giữa một hồ nước lớn để ôn thi cho yên tĩnh, trên đảo có rất nhiều cây cối um tùm, để đi được ra đảo cần đi qua một cây cầu khá dài, người vợ của anh ta hằng ngày phải mang cơm ra ngày hai bữa cho chồng ăn ôn thi.
Quãng đường đi từ nhà ra đảo khá xa, cơm canh lúc nào đến tay chồng thì cũng đã nguội lạn. Thấy chồng ăn uống không ngon, cơ thể xanh xao, thấy vậy người vợ vô cùng xót xa và lo lắng. Từ đó, cô vợ bắt đầu tìm cách làm sao để đi từ nhà ra đến đảo mà thức ăn vẫn còn ấm nóng, chồng ăn ngon miệng và có sức khỏe hơn để học tập.
Cô vợ làm thịt một con gà rồi hầm lấy nước dùng, chuẩn bị thêm một số nguyên liệu khác như thịt tươi, bún, rau, trứng…để vào từng bát riêng lẻ. Từ đó, món bún đến chỗ người chồng học lúc nào cũng ấm nóng, người chồng ăn ngon miệng hơn, sức khỏe ổn định hơn và công việc học tập có nhiều tiến triển. Sau đó, người chồng lên kinh dự thi và đỗ đạt cao, anh ta luôn nhớ đến công lao của vợ khi hằng ngày đem đồ ăn nóng hổi đến đảo cho mình, từ đó người dân gọi món ăn này là món bún qua cầu.”

Ngày nay, món bún qua cầu không phải đưa qua cầu nữa nhưng về quy trình chế biến và thưởng thức vẫn được giữ nguyên lúc lúc ban đầu. Một suất bún qua cầu có 8 đĩa nhỏ bao gồm: rau cải, mộc nhĩ, rau húng, dưa, xúc xích, nấm và ngô. Một đĩa dài gồm 5 miếng thịt bò hoặc lợn thái mỏng, một đĩa lớn để đựng các đĩa nhỏ, 1 đĩa bún. Sau khi mang hết thành phẩm ra thì nước dùng vẫn còn đang sôi đựng trong bát sứ hoặc sành dày được mang ra, người ăn nhanh chóng cho các thành phẩm vào và ăn khi còn rất nóng. Nếu không cho ngay một số thành phầm sẽ không chín vì nước sẽ nguội, đồng thời nếu ăn nguội sẽ làm mất độ thơm ngon của món bún qua cầu.
Tuy vậy, cần cho nguyên liệu vào đúng quy trình. Trứng là thứ phải cho vào đầu tiên xong mới đến thịt, cho dù thịt khó chín hơn trứng. Sau khoảng 2 phút thịt và trứng chín thì cho nấm, rau, ngô, bún vào, lúc này nhiệt độ bát nước dùng ở mức 50 – 60 độ C và người ăn có thể thưởng thức được.


Món bún qua cầu tại Vân Nam xuất hiện ở tất các nhà hàng, quán ăn thậm chí ở các quán vỉa hè cũng phục vụ món này, giá có thể dao động từ 20 – 30 tệ tùy vào việc bạn có gọi thêm thành phần nào nữa hay không. Tuy vậy, tô bún qua cầu rất lớn (bằng 2 tô Việt Nam), một người khó có thể ăn hết nên bạn có thể gọi 1 tô cho 2 người ăn.
Văn Công